ĐỪNG BỎ LỠ

Truyện ngắn, tản văn là hai thể loại “mì ăn liền”?



Trước tiên thì theo chị Xuân, hai thể loại truyện ngắn và tản văn có những ưu nhược điểm gì so với các thể loại khác ạ? 

Ưu điểm là dễ viết và dễ đọc hơn các thể loại khác. Nhưng cũng chính vì ưu điểm này mà thể loại truyện ngắn và tản văn đang ngày càng ồ ạt xuất hiện trên thị trường sách, khiến người đọc bị ngợp, khiến nhiều ấn phẩm không chất lượng trà trộn dễ dàng. 

Vâng, thực trạng chung hiện nay là thế phải không ạ? Em thấy một số người gọi truyện ngắn, tản văn là thể loại “mì ăn liền” vì hai lý do: một - chúng có dung lượng không lớn; hai - chúng đang được xuất bản quá nhiều. Ý kiến của chị sao ạ? 

Mì ăn liền là món ăn mà ai trong đời cũng đã ăn và thậm chí có người còn ghiền ăn mì gói vì sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí của nó. Và nếu so sánh truyện ngắn hay tản văn với mì ăn liền thì chị không có ý phản đối, bởi nếu xét về công dụng và công năng, chúng khá giống nhau, chỉ là mì thì làm no bụng, còn văn học thì làm no tâm hồn, bổ trí óc. Dung lượng không lớn đồng nghĩa với việc người đọc sẽ nhanh chóng thu hoạch được lượng kiến thức của ấn phẩm, và cũng sẽ nhanh chóng đánh giá được ấn phẩm hay hoặc không hay, tránh mất thời gian nghiền ngẫm quá lâu. Còn xuất bản nhiều là vì cầu nhiều, cả cầu của người đọc và cầu của tác giả muốn ra mắt tác phẩm, cũng không thể không kể đến vì lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh sách, nhất là thể loại tản văn, truyện ngắn thu hút giới trẻ - những người đủ sức đọc khối lượng lớn sách và cũng chịu chi cho sở thích đọc sách. 

Bản thân chị, chị thích những thứ làm chị vui, kể cả khi đó là tô mì ăn liền rẻ tiền.


Nếu coi truyện ngắn, tản văn là một món mì ăn liền, thì chắc chắn công việc của người nấu là phải tạo ra hương vị riêng độc đáo cho món mì đó, làm thế nào để nó khác biệt phải không ạ? Bởi vì giữa một rừng sách xuất bản nhan nhản như thế, nếu không có hương vị riêng thì sẽ chỉ được ưa chuộng một thời gian rồi chìm nghỉm. Bản thân là một tác giả, chị hãy chia sẻ chút kinh nghiệm của chị về cách tạo nên dấu ấn riêng cho tác phẩm? Làm sao để dung hòa giữa yếu tố tiện lợi, dễ đọc, dễ hiểu với yếu tố độc đáo, cá biệt ạ? 

Gần đây chị thường hay thấy có các lớp học dạy viết truyện, ban đầu chị phản đối các lớp học thế này, vì chị thấy nó như một kiểu lừa đảo những người mê viết, chị đã định lên tiếng ngăn cản. Nhưng sau khi suy xét thật kỹ, khi tìm hiểu sâu hơn về mục lục giảng dạy, chị thấy cũng không đến mức phải phản đối, dù đến giờ quan điểm của chị vẫn là không nên tham gia lớp học dạy viết truyện, vì biết đâu sẽ đào tạo ra 10 cây viết giống hệt nhau cả 10, như thế có thể sẽ tạo ra 10 gói mì tôm khác nhãn hiệu, nhưng cùng một hương vị. 

Khi chị vào khu mì gói, nếu thấy sản phẩm mới chị sẽ chú ý ngay và sẽ mua thử 1 gói, nhưng chị sẽ lấy vài gói mì nhãn hiệu quen thuộc chị ăn hợp khẩu vị, thậm chí chị cũng lấy cả những vị khác nhau của cùng một nhãn hiệu chị ưng ý, chỉ vì có 1 sản phẩm làm chị hài lòng. Chị nghĩ người đọc cũng sẽ vậy đối với sách và tác giả viết sách. Khi tác giả đã để lại dấu ấn tốt dù chỉ là một tác phẩm thì sau đó các tác phẩm khác có không mấy xuất sắc cũng sẽ được đón nhận, chỉ là đừng để quá nhiều tác phẩm tệ, sẽ làm nhạt nhòa đi dấu ấn cũ đã cố gắng lắm mới tạo ra được. 

Bản thân chị không phải là người được học bài bản về viết lách, chị viết theo bản năng là điều đầu tiên. Sau đó chị cố gắng đọc nhiều hơn, từ tác phẩm của người có dấu ấn và không dấu ấn. Chị đọc nhiều không phải để học cách viết từ họ mà học cách chuyển thể suy nghĩ thành câu chữ sao cho mượt. Bởi thể loại truyện ngắn và tản văn, muốn càng thật thì người viết càng phải suy nghĩ mượt mà trong lúc viết. Chị tự biết tay viết của chị không quá sắc, không quá đậm, chị chỉ nhịp nhàng đi theo cảm xúc, đi theo bản năng của mình. Chị sống sao thì chị sẽ viết ra như vậy, yêu sao thì nhân vật trong truyện cũng sẽ yêu như vậy và thậm chí xấu xa như thế nào chị cũng không ngần ngại gồng mình giấu giếm, cứ thẳng thắn đối diện viết thành câu chữ. Làm như thế, tự nhiên sẽ tạo nên dấu ấn trong lòng những ai yêu quý cách chị sống, suy nghĩ của chị, cách chị yêu.

Như chị nói thì hiện nay sách thuộc thể loại truyện ngắn và tản văn đang được xuất bản ồ ạt, khiến người đọc bị ngợp. Nhiều tờ báo khi viết về vấn đề này cũng cho rằng người trẻ xuất bản các tuyển tập đang trở thành 1 "trào lưu", 1 "xu thế" để đua nhau chạy theo. Vậy theo chị thì sự xuất hiện quá đông đảo của các cây bút truyện ngắn, tản văn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực và tiêu cực gì đối với nền văn học hiện đại ạ? 

Điểm tích cực dễ dàng thấy được là sự phát triển về số lượng của văn hóa đọc. Nhưng còn về chất lượng thì khó đong đếm, đây là điểm tiêu cực. 

Trở về việc tạo nên tác phẩm, em đã nghe một số người cho rằng nguyên nhân mà các tác giả trẻ thích tìm đến hai thể loại này là do sự thiếu sót về kinh nghiệm, trải nghiệm sống; họ chưa đi nhiều, học nhiều, hiểu nhiều, chưa có đủ “vốn” để triển khai tiểu thuyết hoặc chưa đủ nhạy cảm để làm thơ. Chị nghĩ sao về ý kiến này ạ? 

Chị đồng ý 50% và phản đối 50%. Lý do chị đưa ra % như vậy vì bản thân chị ngay từ khi mới viết, chị chọn thể loại tản văn vì thật sự nó dễ viết, trải nghiệm chút xíu thôi cũng có thể múa bút. Sau đó chị đến với truyện ngắn vì chị thích triển khai những ý tứ trong tản văn thành một câu chuyện có nhân vật, có cố truyện. Và đến giờ chị vẫn dừng ở hai thể loại này dù trải nghiệm khá nhiều, vốn sống gọi là kha khá. Đơn giản vì chị thích và thấy mình hợp với hai thể loại này. Chị cũng có thể làm thơ, có viết truyện dài, nhưng vì không thích nên không muốn đầu tư và không cố ép mình. Chị nghĩ nhiều bạn trẻ khác cũng vậy. 

Thật ra năng lực viết của một tác giả không nên đo bằng trải nghiệm, bằng đi nhiều, học nhiều hay hiểu nhiều, càng không nên đưa vào quy chuẩn chọn thể loại để đánh giá. Ai biết mình thích mà mạnh thể loại nào thì cứ phát triển ở phần đó, thế đã là thành công bước đầu của một người viết. Những thể loại khác, nếu rảnh có thể thử qua, biết đâu lại thích và có đầu tư thì sẽ viết tốt, viết hay.


Em thì nghĩ là nếu 1 cây bút có kinh nghiệm và trải nghiệm sâu sắc, họ có thể làm phong phú thêm cho bất cứ thể loại nào kể cả các thể loại dung lượng ít, không riêng gì tiểu thuyết. Đối với riêng chị Xuân thì khi nhào nặn nên 1 truyện ngắn, chị sẽ chú trọng về kinh nghiệm, trải nghiệm, yếu tố thực tế hơn hay chú trọng cảm xúc cá nhân hơn ạ? Tương tự với cả tản văn nữa ạ? 

Chị không chú trọng vào duy yếu tố nào mà chị vận dụng tất cả các yếu tố kinh nghiệm, trải nghiệm, thực tế và cả cảm xúc khi viết để tạo ra câu chuyện tạo ra nhân vật. Điều này không dễ dàng gì, vì thỉnh thoảng mọi yếu tố phát triển không đồng đều, sẽ khiến chị phải tạm dừng viết để lấy lại cân bằng. Ví dụ khi chị viết về một câu chuyện tình yêu có nhân vật nữ là người yếu đuối, nhưng vì chị khá mạnh mẽ nên đôi khi để nhân vật nữ bị loạn tính cách, phải dừng lại để định hình tính cách nhân vật, sau đó xóa bỏ và viết lại cho hợp lý hơn. Thú nhận rằng trong tất cả yếu tố, chị vẫn luôn đề cao cảm xúc, vì chị vốn đi theo nghiệp viết là từ cảm xúc với câu chữ. 

Chị có lời khuyên gì dành cho những người trẻ đang muốn thử sức với viết lách, đặc biệt là hai thể loại truyện ngắn, tản văn? 

Đừng sợ, hãy cứ viết khi cảm thấy muốn viết và có thể viết được. Cũng đừng ép mình phải viết giống ai đó, viết hay như ai đó, bởi một tác phẩm được đón nhận không hẳn vì nó hay mà vì nó được tạo ra từ trái tim người viết. Cứ làm thế đi, rồi bạn sẽ có dấu ấn của riêng mình. 


PV: Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào