ĐỪNG BỎ LỠ

Chia sẻ những khó khăn gặp phải khi hoàn thành 1 cuốn sách, truyện ngắn

1.         Là một cây viết trẻ, được nhiều người biết đến với những tác phẩm... dành cho giới trẻ. Đó là một thành công không phải ai cũng đạt được. Nhưng để có được thành công bước đầu đó, em từng trải qua những khó khăn gì. Đã bao giờ em định từ bỏ nghề viết lách.

Để đạt được một vị trí nào đó, mỗi người đều phải trải qua những chặng đường khác nhau, trên con đường đó có lúc sẽ toàn cánh hồng, nhưng có đoạn thì đầy gai góc, lại có lúc bị lạc đường, mịt mù sương mờ không phải phải đi tiếp hay quay lại. Tôi từng nghe những lời nhận xét khá cay độc dành cho tác phẩm của mình, rằng “Những gì bạn đang viết cứ như cỏ rác”, hay “Tác phẩm của em sẽ không được nhận nếu không có tôi!”. Tôi cũng từng bị từ chối bản thảo không dưới 10 lần, gửi hơn 30 email bản thảo mà không có hồi âm, bị quỵt nhuận bút, bị cướp tác quyền, bị coi thường vì còn quá trẻ… nhưng tất cả đều khiến tôi mạnh mẽ hơn để theo đuổi nghiệp viết. Đối với tôi, đi theo nghề viết cũng chính là con đường đầy khó khăn nhưng đúng đắn nhất mà tôi lựa chọn.


Ban đầu tôi không lựa chọn nghề viết, tôi chỉ chọn kiếm tiền bằng việc viết lách khi còn là sinh viên. Tôi biết khả năng của mình có giới hạn nên không ngại và cũng không ngừng học hỏi. Ở thời điểm các bạn cùng viết như tôi đã xuất bản 1 – 2 cuốn sách thì tôi vẫn loay hoay với câu hỏi “Làm thế nào để bài được đăng báo, kiếm được tiền?”
Khi đã có chút “vốn liếng” nội dung để làm thành bản thảo thì tôi lại không biết phải làm thế nào, cứ gom thành một tệp rồi tìm email của các nhà xuất bản, công ty phát hành để gửi đi. Gửi hàng chục mail mà chưa một lần nhận được hồi âm. Tôi nghĩ mình không có duyên với xuất bản sách nên từ bỏ ý định gửi bản thảo – thật ra lúc đó tôi không biết rằng tôi gửi cho họ một “mớ hỗn độn”, nếu tôi là họ, tôi cũng sẽ không bao giờ mở chúng ra.
Có một lần tôi đem chuyện này tâm sự với người chị dân viết, đã từng xuất bản rất nhiều sách và may mắn nhận được lời khuyên, chị hướng dẫn tôi làm bản thảo và sau đó còn cho tôi email của một nhà xuất bản mà chị từng in sách. Lúc này trong tôi lại nhen lên chút hy vọng mà đã từ bỏ một thời gian.
Tôi làm theo hướng dẫn của chị và gửi bản thảo đi, chờ nửa năm trời cuối cùng cũng có hồi âm. Cùng thời điểm tôi nhận được email từ nhà xuất bản rằng bản thảo của tôi được nhận thì tôi gặp vị giám đốc của một công ty phát hành cũng đồng ý xuất bản tác phẩm tản văn của tôi. Cứ nghĩ đây là hạnh phúc nhân đôi, nhưng là niềm hạnh phúc không trọn vẹn.
Tôi ký hợp đồng với công ty phát hành mà không nhận ra rằng mình đã ký một bản hợp đồng không có phí tác quyền. Ký xong xuôi thì một thời gian sau mới vỡ lẽ, nhưng tự an ủi mình rằng cũng có nhiều người như tôi, vì theo đuổi một điều gì đó thì nên chấp nhận đánh đổi vài điều.
Cuốn sách đầu tiên xuất bản, tôi đầu quân cho công ty phát hành, trở thành người biên tập sách. Tôi nghĩ mình thật may mắn và khá bản lĩnh khi có thể làm ở vị trí này dù chưa ra trường. Nhưng chính vì chưa ra trường và vì cuốn sách đầu tiên của tôi được công ty phát hành nên tôi được cấp trên đặt ra yêu cầu phải trung thành làm việc với mức lương không đủ nộp tiền phòng trọ. Tôi tự động viên mình, cố gắng mỗi ngày với hy vọng cấp trên sẽ nhìn ra năng lực của mình và thay đổi mức lương, nhưng có những lúc điều mình nghĩ thì người ta không bao giờ muốn nghĩ.
Tôi càng suy sụp hơn khi những cuốn sách mình ngày đêm dốc sức ngồi biên tập thì cuối cùng lại đề tên người khác. Tác phẩm tôi viết đưa vào sách của người khác mà tôi không nhận được một lời cảm ơn hay một đồng nhuận bút nào. Dù cố gắng mạnh mẽ và bao dung hay giả vờ ngu ngốc đến đâu thì tôi cũng đã đến giới hạn của sự nhẫn nhịn, tôi rời bỏ công việc mà bốn năm đại học đã cố gắng biết bao để đạt được.
Tôi không còn bùng cháy ngọn lửa đam mê, mặc kệ người xung quanh đang sống chết theo đuổi nó, đam mê của tôi yếu ớt đến mức tôi đặt câu hỏi liên tục cho mình: Mình thật sự thích điều này ư? Đây là đam mê của mình ư? Tôi không còn khẳng định những mục tiêu trong cuộc đời mà bắt đầu đưa chúng vào thể nghi vấn.
Tôi nhớ rất rõ từng khó khăn, nhưng để kể hết chặng đường có lẽ sẽ thành một cuốn sách nhàm chán, vì tôi nghĩ bất cứ đam mê nào, muốn theo đuổi cũng đều gặp khó khăn. Điều quan trọng là khi rơi vào hoàn cảnh tưởng như sẽ từ bỏ đam mê, hãy thử nghĩ xem mình đã bắt đầu nó như thế nào, đã cố gắng nhiều bao nhiêu, có một chút nào đó muốn chạm đến nó nữa hay không. Nếu vẫn còn, đừng buông.
Còn một điều quan trọng nữa là chữ “Duyên” giữa người và nghề. Ví như khi tôi đã định buông nghề biên tập sách thì đi một đoạn ngắn trong công việc mới, tôi lại quay về với công việc biên tập. Cho tới thời điểm này tôi vẫn là một biên tập, dù đã đổi công việc tới lần thứ tư.
Bây giờ thỉnh thoảng vẫn có độc giả hỏi tôi về chặng đường đi đến với nghề viết, những lúc như vậy đều khiến tôi nhớ lại xuất phát điểm của mình, có chút chua xót mà cũng lắm điều tự hào.

2. Chia sẻ những khó khăn em gặp phải khi hoàn thành 1 cuốn sách, truyện ngắn

Khi viết một tác phẩm hay hoàn thành một cuốn sách, điều tôi sợ nhất là nghĩ quá nhiều khi viết. Vì điều đó khiến tôi bị đóng khung cảm xúc, viết những thứ sáo rỗng và cố ép mình chạy theo một tiêu chuẩn nào đó mà tôi tìm thấy. Người ta viết về cô đơn được in sách thì tôi cũng cố ép mình viết về cô đơn. Người ta viết truyện ngắn kiểu ngôn tình được đăng thì tôi lại cố “rặn chữ”, giả tạo cảm xúc mà hoàn thành tác phẩm. Chỉ có điều, viết xong rồi không dám đọc lại dù được đăng. Dần dần tôi rơi vào trạng thái điều mình nghĩ thì không thể viết ra, điều viết ra lại chẳng hề nghĩ sâu được.
Cảm giác bị nghẹt thở giữa những câu chữ do mình viết ra khiến tôi nghĩ mình nên dừng lại, tạm thời không viết tác phẩm hay cuốn sách này nữa. Đợi cho đến khi cảm xúc tự nhiên đến, thật tâm muốn viết thì mới làm tiếp.
Viết một tác phẩm truyện dài hoặc truyện ngắn có nhiều kỳ thì không thể hoàn thành trong một ngày, đôi khi bị dán đoạn bởi những yếu tố khách quan khiến mỗi lần viết tiếp đều phải đọc lại tác phẩm từ đầu, nếu không làm vậy nội dung sẽ rời rạc hoặc thiếu tính liên kết, có khi râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Để hoàn thành một cuốn sách còn có thêm khó khăn nữa là quá trình sắp xếp nội dung, vì đối với những người viết không theo bất cứ một nguyên tắc hay khung sườn có trước như tôi, việc tạo ra một mục lục cho bản thảo sao cho nội dung có sự liên kết, xuyên suốt từ đầu đến trang cuối là điều không dễ dàng gì.
Cho đến hiện tại trong kho lưu trữ của tôi vẫn còn nhiều bản thảo và tác phẩm viết dở, không biết khi nào sẽ hoàn thành, nhưng tôi không vội.

3. Nhiều người nói, viết văn, sách, nhuận và lương "bèo" theo em có đúng không? Quan điểm của em khi viết.

Đúng mà không đúng. Nhuận và lương “bèo” hay không là phụ thuộc vào bản thân người viết dùng khả năng của mình vào việc gì, lĩnh vực nào. Nếu bạn chọn kiếm sống bằng việc viết để in sách, tôi nghĩ với thị trường xuất bản ở Việt Nam, điều “nhiều người nói…” trên là đúng. Vì ngay cả những nhà văn kì cựu như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… được ưu ái trả % nhuận bút cao hơn bình thường, với lượng bản in khá lớn vẫn không chọn công việc chỉ ngồi viết sách để kiếm tiền. Và mọi người cũng cần biết, viết sách thì không có lương.
Sẽ chẳng ai thuê tác giả về ngồi viết sách để trả lương hàng tháng, như vậy rất công nghiệp và chất lượng tác phẩm cũng không đảm bảo sẽ tốt. Một số hiếm trường hợp viết sách giáo trình, tài liệu cũng là nhận thù lao theo phần công việc – có thể gọi là nhuận bút, vẫn chưa được gọi là lương.
Người viết được nhận lương “không bèo”, thậm chí là một mức lương trên ngàn đô mỗi tháng nếu làm trong các môi trường liên quan đến lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên thứ mà những người viết đang làm không còn gọi là viết văn hay viết sách, nó chỉ đơn giản là viết nội dung phục vụ cho kế hoạch truyền thông.
Một số người chọn hình thức chấp nhận sự “bèo” trong nghiệp viết văn, viết sách để xây dựng thương hiệu bản thân, sau đó mới tiếp cận và làm những công việc có mức thu nhập “không bèo”.
Một số người viết đã có địa vị, sự nghiệp, thậm chí là đã nổi tiếng, họ quay sang lựa chọn viết văn, viết sách để kiếm cho bản thân chút vốn tinh thần để đời.
Với tôi, viết sách chỉ nên lấy làm niềm vui, nơi nuôi dưỡng đam mê, còn kiếm tiền nhiều thì nên chọn việc khác. Có lẽ vì không đặt nặng vấn đề tài chính từ chuyện viết sách nên tôi mới viết được đến tận bây giờ.

4. Định hướng sắp tới trong tương lai của em.

Phải thú nhận rằng tôi ít đọc sách, mỗi năm chỉ đọc hết khoảng 5 cuốn, phần vì không có thời gian và phần vì bây giờ sách hay hiếm lắm. Nhưng tôi mê làm sách. Bắt đầu từ lúc nào tôi cũng không rõ, nhưng quãng thời gian làm cho công ty phát hành và cộng tác với một số nhà xuất bản, dù đã trải qua rất nhiều nỗi buồn, tôi vẫn cứ nghĩ hoài về chuyện… sẽ mở một công ty phát hành. Có vài lần đã lên kế hoạch, cũng thực hiện được bước ban đầu, nhưng vì một số lý do chủ quan nên phải dừng lại.
Tôi không ép bản thân mình phải thật sự làm được điều tôi muốn, chỉ luôn cổ vũ bản thân mình cố gắng hết sức để tiến đến càng gần điều đó mà thôi. Vậy nên dù dự định tương lai có thực hiện được hay không, tôi cũng không buồn hay thất vọng về bản thân mình.
Dự định gần nhất của tôi trong năm nay là xuất bản một cuốn sách có nội dung là series truyện ngắn, có hướng sản xuất thành phim ngắn và âm nhạc.

5. Lời khuyên cho các bạn trẻ muốn viết sách và xuất bản sách.

1. Nên hiểu rõ thế nào là bản thảo: Mở một cuốn sách và hãy tìm cách trình bày bản thảo của mình sao cho trông giống 1 cuốn sách nhất có thể. Chưa xét đến nội dung, nhưng ít nhất bản thảo phải được hình thức ổn, không lỗi chính tả.
2. Tìm hiểu kỹ nhà phát hành, nhà xuất bản trước khi gửi bản thảo. Nhà nào hay nợ tiền, hay có tai tiếng coi thường tác giả thì dù muốn ra sách và họ muốn nhận bản thảo thì cũng đừng ham. Vì kết cục sẽ là cảm giác tủi nhục từ khi gật đầu cho đến lúc sách lên kệ.
3. Nên bắt đầu từ việc viết chung nhiều tác giả, sau đó là 4, rồi 3, 2 và viết riêng. Làm vậy để thăm dò tình hình thị trường sách có ưng văn phong của mình không, nhà phát hành - nhà xuất bản nào là ổn, để càng về sau càng thuận lợi cho việc ra sách riêng.
4. Đừng đem con bỏ chợ, nghĩa là giao bản thảo xong là để nó lạc trôi, hãy nhắc đến nó mọi lúc mọi nơi khi có thể. Điều này không chỉ giúp người đọc nhận ra bạn là người viết mà còn giúp bạn duy trì khả năng và đam mê viết.
5. Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, phải có điều khoản về thời hạn hợp đồng (Thường là 5 năm), có % nhuận bút (Thường là 10%), có lượng bản in (Thường là 1000 bản), và có phần nhuận bút tác giả, sách biếu...
6. Cuối cùng, đừng nghĩ ra sách để khoe khoang hay để làm giàu, vì thị trường sách trẻ bây giờ bão hòa rồi, nhuận bút thì thấp không bằng một tháng lương làm ở quán thức ăn nhanh, trừ thuế phí này kia nữa thì chỉ đủ mua iphone Trung Quốc thôi. Viết sách chỉ nên vì mục đích muốn đặt dấu ấn riêng của bản thân lên một vật thể có khả năng lưu truyền nhiều đời. Và nên vì, đó là nơi nuôi dưỡng và phát triển đam mê. Cầm đứa con tinh thần trên tay, bỏ qua những tiểu tiết làm bạn phiền lòng thì cảm xúc còn lại rất tuyệt, đáng tự hào - với chính bản thân mình!



Không có nhận xét nào