ĐỪNG BỎ LỠ

Viết truyện ngắn có cần phải học và làm thế nào để viết một truyện ngắn?

Dạo gần đây mình thấy trên Facebook có xuất hiện thông tin của khoá học viết truyện ngắn, được khá nhiều bạn trẻ quan tâm, chi phí một buổi không quá cao, chỉ bằng giá 1 - 2 ly trà sữa loại có thương hiệu. Mình tự đặt câu hỏi cho mình và cho bạn bè trên Facebook của mình rằng:
"Các bạn nghĩ viết truyện ngắn có cần phải theo một khoá hay một lớp học không?"



Người nghĩ có, người bảo không cần và kết quả mình rút được sau khi tham khảo là: Ai muốn và cần thì cứ theo học, ai không cần thì thôi.

Nhân tiện, mình cũng chia sẻ luôn về cách LÀM THẾ NÀO ĐỂ VIẾT MỘT TRUYỆN NGẮN theo kinh nghiệm cá nhân - không học qua khoá học hay trường lớp nào. Nói thế không có nghĩa là mình không học, mình theo phương pháp tự học hỏi, tìm tòi và thực hành dựa trên môi trường công việc.

Mình bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên hồi năm 2008 - thời điểm mình mới tiếp cận với internet và blog 360 còn đang tồn tại. Truyện ngắn đầu tiên đúng chất "tưởng tượng ra gì thì viết nấy", có nghĩa là mình nghĩ nhân vật phải nói thế thì viết ra như thế, cảnh vật phải như thế thì miêu tả như thế và mọi thứ vận động như thế nào thì viết vào như vậy. Dễ hiểu thì nó đúng là một câu chuyện được viết lại một cách vụng về, không trau chuốt cũng không nghĩ xem người khác đọc có thích hay không.

Đấy, có nghĩa là nếu muốn viết truyện ngắn thì các bạn phải CÓ CÂU CHUYỆN và CÓ GÌ VIẾT NẤY! DÁM VIẾT!


Điều này quan trọng lắm, vì câu chuyện thì ai cũng có, có người thì kể bằng miệng rất rành mạch, người thì nghĩ câu chuyện suôn sẻ, nhưng rốt cuộc bạn có dám viết ra hay không. Đừng tự nghĩ rằng mình viết không hay nên không bao giờ đặt bút xuống viết, đặt tay xuống gõ. Viết không cần nghĩ xem mở bài ở đâu, thân bài ở đâu, kết bài sẽ ra sao, chỉ cần trong đoạn bạn viết có nhân vật (ít nhất 1 người) và có bối cảnh, sự việc gì đó liên quan đến nhân vật là ra một câu chuyện "ngắn".

Có bạn bảo truyện ngắn cũng phải có mở bài, thân bài, kết bài nên cần đi học để biết cách mở thế nào cho hay, thân thế nào cho mượt và kết thế nào cho êm. Ồ, bản thân mình nghĩ không cần mấy thứ nguyên tắc đó để sinh ra một truyện ngắn, vì mình chưa bao giờ nghĩ đến điều đó khi viết.

Cho nên, điều thứ 2 để viết được một truyện ngắn là ĐỪNG MÁY MÓC HAY CỐ GẮNG DÀN XẾP BỐ CỤC trong khi viết.


Viết truyện ngắn không giống với viết tiểu thuyết hay truyện trinh thám - cần phải có sự logic để người đọc dễ dàng theo mạch truyện. Viết truyện ngắn, theo mình, đơn giản là một câu chuyện, kết thúc thế nào không quan trọng, quan trọng là trong câu chuyện đó có một điểm sáng chứa đựng ý nghĩa cuộc sống, tình yêu, tình bạn… nói chung là có ý nghĩa. Còn chuyện bạn mở đầu bằng một đoạn đối thoại hay đoạn miêu tả nhân vật cũng chẳng có gì quan trọng, miễn mạch truyện vận động đúng với ý tứ bạn muốn truyền đạt.

Mình thường cảm thấy, viết truyện ngắn giống như may một bộ đồ cho búp bê. Nam hay nữ gì cũng có thể chơi búp bê ha, nhưng may đồ cho búp bê thì chỉ những ai muốn tạo ra một diện mạo mới cho búp bê thì mới tự muốn may thôi, dù may chưa biết đẹp hay xấu và có vừa hay không vì vốn dĩ khi mua búp bê về đã có sẵn đồ. Giống như truyện ngắn, ai cũng có thể đọc truyện - vì sách truyện nhan nhản, ai cũng có câu chuyện của riêng mình, nghe chuyện từ người khác kể, nhưng viết lại thì chỉ có những ai muốn mới viết thôi.

Nên là, điều thứ 3 để viết được truyện ngắn thì PHẢI MUỐN VIẾT VÀ THÍCH VIẾT. 

Thật ra có nhiều bạn nghĩ đây là điều quan trọng nhất, nhưng bản thân mình chỉ xếp nó là thứ 3 thôi. Vì cơ bản ban đầu mình không thích viết (vì tính tình rất lười), ban đầu mình viết là vì sự thể hiện cảm xúc, nói không đã, hành động không đã thì viết ra cho đã thôi. 
Hơn nữa, khi mình đã đi làm rồi thì mình nhận ra nếu chỉ thích và muốn thôi thì không thể sống với nghề viết được. Trong mỗi lĩnh vực bạn buộc phải viết những vấn đề khác nhau, bao gồm cả vấn đề bạn không thích viết. Nhưng muốn phát triển và muốn làm việc thì buộc phải viết, cái này mình đặt ở đầu tiên - DÁM VIẾT. Dám viết không có nghĩa là viết bậy bạ, trước khi viết bạn phải tìm hiểu kỹ về vấn đề, lĩnh vực bạn sẽ viết, đôi khi lồng ghép cả thứ bạn thích và không muốn vào với nhau để tạo ra sản phẩm viết tốt nhất có thể.

Quay lại với viết truyện ngắn, bạn KHÔNG THỂ CỨ MỘT MÀU chỉ viết kiểu nhân vật bạn muốn hoặc câu chuyện bạn thích, đúng sở trường của bạn. Vậy nên để tạo ra những truyện ngắn không bị một màu NHƯNG VẪN GIỮ ĐƯỢC PHONG CÁCH RIÊNG thì mình nghĩ nên chọn hoà quyện tính cách (cá tính) riêng của bản thân vào trong tác phẩm.

Thứ 4, HOÀ HỢP CÁ TÍNH CỦA BẢN THÂN VÀO TRONG TÁC PHẨM!


Điều này không dễ, vì bản thân mình vẫn chưa làm tốt điều này ở một số tác phẩm. Và đây cũng là con dao hai lưỡi, nếu bạn làm tốt thì sẽ ra một tác phẩm hay, còn nếu bạn làm không tốt sẽ thành một truyện ngắn mang chất cá nhân hoá, luẩn quẩn với suy nghĩ bảo thủ của người viết. Ví dụ bản thân mình thường nghĩ lạc quan, có chút bất cần nhưng không thoát xa đạo lý làm người nên nhân vật của mình trong truyện ngắn thường không quá bợm trợn, không quá độc ác và nếu làm kẻ xấu thì cũng vì lý do gì đó mới phải xấu xa. Mình cũng ghét kiểu người luôn luôn đóng vai tốt nên nhân vật của mình sẽ luôn lòi điểm xấu trong vỏ bọc tốt.

Điều thứ 5, phải chịu khó HỌC TỪ TRẢI NGHIỆM, TỪ CUỘC SỐNG và THỰC HÀNH SONG SONG.


Không có sự học nào tốt hơn việc thực hành. Để sở hữu khối lượng truyện ngắn đồ sộ như bây giờ (Khoảng gần 100 truyện ngắn) thì với một người lười viết như mình là cả một quá trình CHỊU KHÓ. Mình nghĩ, thay vì bỏ thời gian ra để đi học những lý thuyết cơ bản mà bạn có thể tìm trên mạng thì hãy đọc thật nhiều tác phẩm của người khác - cả nổi tiếng và không có tiếng, sau đó phải viết lúc có thể viết.
Riêng với mình, số lượng truyện ngắn này sinh ra từ các cuộc thi - ở đâu tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn là mình đều tham gia, từ đó sinh ra được một vài tác phẩm. Từ việc cộng tác với các báo - mục Story của kenh14, mục Truyện ngắn của MTO. Cứ viết dần dần, đọc nhiều nhiều là sẽ cải thiện hơn về nội dung truyện của bản thân theo từng ngày.

Có một thời gian mình làm Editor cho một kênh radio online, công việc của mình là đi tìm những tác phẩm truyện ngắn có nội dung hay và đọc, biên tập sao cho sạch sẽ, không lỗi chính tả để gửi cho MC thu âm. Mình nhận ra công việc này đã giúp mình nâng cao khả năng viết câu văn, lời thoại vô cùng hiệu quả. Không phải copy - paste như nhiều người vẫn bảo: "Đọc nhiều văn của người khác sẽ bị nhiễm phong cách viết." mà là sự phát triển trong ý tưởng, câu chuyện diễn biến có logic hơn vì vốn từ ngữ, văn phong được dồi dào hơn sau khi mình biên tập truyện ngắn của người khác. Dĩ nhiên, tinh thần phải thép lắm mới không bị xuôi theo phong cách của người khác. Hoặc mình nghĩ do mình đọc rất nhiều, nhưng không phải của duy nhất một người nên không bị lai tạp phong cách của bất cứ ai.

Điều thứ 6, ĐỌC NHIỀU TRUYỆN NGẮN CỦA NHIỀU TÁC GIẢ KHÁC NHAU. Nên như vậy.


Điều cuối cùng, hơi điên rồ nhưng đây là cách của cá nhân mình: XEM PHIM KINH DỊ.


Mình từng đọc được ở đâu đó rằng xem thể loại kinh dị có thể giúp kích thích trí tưởng tưởng, óc sáng tạo và mình thấy nó khá hữu ích cho mình. Thời điểm mình viết nhiều tác phẩm nhất cũng là lúc mình "cày" nhiều phim kinh dị nhất (ngược lại). Cho đến giờ, khi phải làm việc gì cần ý tưởng, cần sáng tạo thì mình thường dành thời gian xem phim ma, kinh dị. Hữu hiệu lắm nhé.

Trên đây là chia sẻ của mình để viết được truyện ngắn. Tuy nhiên vì sợ bị ném đá nên mình chú thích thêm là mình không có ý vùi lấp các khoá học viết truyện, vì mỗi người một cách làm việc, cách tiếp nhận sự việc. Và có câu này muôn đời vẫn đúng: "Việc mình làm được không có nghĩa người khác cũng phải làm được và việc người khác không làm được chưa chắc mình cũng phải bó tay." 
Vậy nên nếu bạn nào cùng quan điểm với mình thì âm thầm ủng hộ like, còn không cùng quan điểm thì có thể tự nêu quan điểm của bạn - không tranh cãi.

GreenStar

Không có nhận xét nào