ĐỪNG BỎ LỠ

Nước mình nhiều Hoa Hậu thế, sao vẫn cứ lắm cảnh đau lòng?

Thời bây giờ người người, nhà nhà đều tiếp cận với công nghệ thông tin, mạng xã hội nên truyền thông càng có nhiều cơ hội sử dụng mánh miếng để thu hút đại chúng. 



Không chỉ riêng việc những tờ báo điện tử mọc lên như nấm, kể cả gameshow, các cuộc thi cũng trở thành miếng thịt ngon để truyền thông đưa lên chiên, xào, rán, luộc tuỳ ý, miễn sao gây sức hút đến nhiều người. Ích lợi cho người xem là gì thì chưa biết, chỉ biết ngày ngày có rất nhiều gương mặt lạ lẫm được phong hot boy, hot girl, thánh thần… chỉ sau vài bức ảnh chụp và clip quay lén kèm theo phát ngôn, chất giọng gây sốc.

Nói đâu xa, mấy tháng gần đây báo chí lấp đầy hình ảnh, chữ viết về các cuộc thi nhan sắc. Chỉ trong một tháng đã có gần 10 cuộc thi Hoa Hậu lớn nhỏ diễn ra trên khắp thế giới, nào là Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam, Hoa Hậu Đại Dương, Hoa Hậu Hoàn Cầu… đủ các thể loại. Tính riêng ở Việt Nam, mục đích chính để các cuộc thi này tìm kiếm gương mặt tài sắc vẹn toàn để sau đó, dựa vào sức ảnh hưởng lớn, thông qua các nhà tài trợ, các gương mặt này – cụ thể là dàn Hoa Hậu, Á hậu thực hiện nhiều chương trình gây Quỹ từ thiện, trao học bổng, trao quà cho người nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, nạn nhân thiên tai... tôi tự hỏi Việt Nam mỗi năm “đẻ” ra nhiều Hoa Hậu như vậy, sao thấy nước mình vẫn cứ lắm cảnh lầm than, đau lòng.

Các em đi thi có thể mơ hồ trả lời rằng nếu đạt vương miện thì sẽ làm-cái-gì-đó có ích cho xã hội, nhưng là cái gì? Chưa kể có em cười hể hả trả lời rằng đi thi Hoa Hậu để nổi tiếng, để kiếm được nhiều tiền giống ai đó, vậy mà vẫn vào được vòng trong để tiếp tục làm trò, để lên mặt báo với danh hiệu “Thí sinh Hoa Hậu có phát ngôn gây sốc”. Rồi đến chuyện đã vào top 5 của cuộc thi lớn mà em thí sinh có thể cười cợt trả lời vấn đáp ngô nghê như một đứa trẻ lớp 1. Chưa hết, thí sinh vẫn đăng quang Hoa Hậu chỉ vì đã thành thật tháo sụn mũi trước khi thi, nhưng rõ ràng người ta vẫn thấy em quá khác biệt vào đêm chung kết, với cặp môi dày (Em nói do mình dị ứng mỹ phẩm), đôi mắt sưng, gương mặt căng bóng và hình dạng không còn giống như những bức ảnh cũ người ta tìm được trên trang cá nhân của em. Em vẫn được cảm thông vì là “Hoa Hậu thật thà” khai báo chuyện phẫu thuật thẩm mỹ. Em xin mọi người đừng chỉ nhìn em đêm chung kết, hãy nhìn những hành động của em trong tương lai. 

Cũng làm trong lĩnh vực truyền thông nên tôi vẫn thường dạo qua trang cá nhân của một số Hoa Hậu “hãy nhìn hành động của em trong tương lai”, nhưng ngoài việc đăng hình ảnh đi sự kiện lộng lẫy, đăng các trạng thái được trả tiền từ các nhãn hàng ra thì tin tức có ích cho xã hội, rất ít hoặc không có. Các em được chú ý rất nhiều sau khi đăng quang, vậy nếu các em chỉ cần chia sẻ một hình ảnh của cơn bão, của vùng quê nghèo, của những mảnh đời cơ cực và kêu gọi giúp đỡ… thì hiển nhiên sẽ có ích nhiều lắm. Nhưng tôi thấy tiếc quá, các em bận rộn với chuyện đi sự kiện, bận rộn với chương trình truyền hình, bận với những buổi chăm sóc nhan sắc để khẳng định mình xứng đáng “đẹp chuẩn Hoa Hậu”. Cứ thế này, người ta bảo các em là “những bình hoa di động” cũng không hề sai.

Tôi không chê bai gì nhan sắc của các em, vì thực chất tôi biết mình không có quyền phán xét ngoại hình của người khác, không ai có quyền đó cả. Nhưng khi các em đã đội lên đầu vương miện, trở thành đại diện nhan sắc có tầm ảnh hưởng, thiết nghĩ điều các em cần khẳng định không phải là chỉnh sửa ngoại hình sao cho người nhìn trầm trồ khen ngợi mà nên hiểu đúng bản chất của những gì một Hoa Hậu sau đăng quang cần làm. 

Những gì các em đã và đang có giúp các em trở thành Hoa Hậu. Nhưng những gì các em sẽ và phải làm mới quyết định các em có xứng đáng với vị trí Hoa Hậu hay không.



GreenStar

Không có nhận xét nào