ĐỪNG BỎ LỠ

Sao lấp lánh


Nhiều đứa bạn cứ hỏi đùa tôi rằng: “Tại sao mày tên Sao mà chẳng lấp lánh như sao?”.


Ừ thì đấy, tôi tên Sao, nhưng trông tôi đen nhẻm, người lại lùn tịt và dĩ nhiên, luôn là một đứa bị xem là tối tăm nhất của xã hội 10A2 bởi cái tính lầm lì, ít nói. 

Hồi lớp 1, tôi đã từng hỏi mẹ vì sao lại đặt tên tôi là Sao, mẹ chỉ cười rồi bảo: “Đặt tên có ý nghĩa, nói ra thì không còn ý nghĩa nữa con à!”, lúc đó tôi chỉ “à” một tiếng ra vẻ hiểu, nhưng trong lòng thì cứ luôn canh cánh một nỗi chờ mong. Cuối cùng tôi quyết định đi hỏi bố. 

- Tên Sao của con có ý nghĩa như thế nào hở bố?

- Nó là niềm tin và hy vọng cho những điều tốt đẹp đến với con đấy con gái rượu của bố ạ.

Thật ra thì tôi không thích bố gọi tôi là con-gái-rượu, nhưng thôi, vì bố đã giải đáp nỗi chờ mong của tôi nên tôi cười toe toét với bố, vẻ hý hửng vì có một cái tên rất ư là ý nghĩa. 

Nhưng thật trớ trêu, hình như điều mẹ tôi nói là đúng, tên có ý nghĩa mà nói ra ý nghĩa thì sẽ không còn ý nghĩa, nói đúng hơn là nó sẽ không linh nghiệm nữa. Càng lớn tôi càng xấu xí đi. Mái tóc lúc bé thẳng và đen thì bây giờ lại vừa xoăn, vừa cháy nắng. Răng lúc bé đều như bắp thì nay - sau khi trải qua quá trình rụng rồi lại mọc, nó chồng chéo lên nhau và còn miễn phí cho tôi thêm một cái răng nanh. Làn da trắng mịn mà ngày xưa ai cũng muốn có thì ngày nay đã ngăm đen, nhiều lúc ngắm mình trong gương, nghe bố tôi an ủi: “Ngăm ngăm da trâu, nhìn lâu thấy đẹp con gái à!”, tôi khóc không ra nước mắt. Nhưng dù sao tôi vẫn đã sống được 15 năm rồi, và chưa bị sứt mẻ gì ngoài quá trình biến đổi thê lương làm những nét đẹp thời ấu thơ của tôi trốn đi đâu mất. 

Rồi khi lên cấp ba, điểm lên mình bộ áo dài trắng tinh, tà áo dài thướt tha, đu trên đôi giày cao gót 5 phân, tôi bỗng òa khóc vì chẳng như lời đám bạn cấp hai của tôi vẫn bàn tán, rằng con gái lên cấp 3 mặc áo dài sẽ đẹp hơn, sẽ duyên dáng hơn khi đi giày cao gót. Tôi vẫn thế, mà hơn nữa, màu trắng của áo dài càng tôn lên cái làn da bánh mật của tôi, làm sao mà không khóc vì cái nỗi thất vọng đang ngập tràn trong tôi cho được. Cuối cùng, để mọi thứ không trở nên kệch cỡm, tôi quyết định không đi giày cao gót, cũng chẳng hy vọng nét đẹp từ chiếc áo dài, tôi lầm lũi bước vào cổng trường cấp 3, chọn cho mình chỗ ngồi ở cuối góc lớp. Tôi nhận ra một quy luật chọn chỗ ngồi, đó là những đứa thuộc dạng không nhận ra giá trị nổi bật của bản thân thì sẽ chui rúc ở cuối lớp. Ngoài tôi ra thì còn ba đứa khác nữa, một cô bạn lười học chỉ thích ngủ, một cậu bạn thích chơi hơn học và kẻ ngồi cùng bàn tôi đây - lầm lì, ít nói hơn cả tôi. Lần đầu tiên tôi bắt chuyện với hắn là sau một tháng vào học chung lớp, đó là lúc tôi để quên cái gọt bút chì ở nhà và bút chì của tôi thì đang bị gãy, dĩ nhiên thời giờ mà vẫn dùng bút chì gọt thì chỉ còn sót lại những thành phần hiếm hoi kiểu như tôi… và hắn. Liếc qua bên cạnh, tôi thấy chiếc bút chì gọt trên bàn, vận dụng trí thông minh của mình tôi phân tích ra ngay hắn có gọt, bởi trông cái ngòi bút rất nhọn và mượt mà. Tôi phải mấp máy môi gần chục lần mới thốt lên tiếng lí nhí. 

- Ấy ơi! Tên gì thế? - Phép lịch sự ban đầu muốn mượn đồ là phải hỏi tên. 

- Việt!

Vì cậu ta nói cũng khá nhỏ nên tôi phải ngập ngừng một hồi rồi mới hỏi tiếp. 

- “Việt” Nam Hồ Chí Minh á?

Hỏi xong tôi chột dạ, biết mình vừa hỏi ngu nên mặt với tai đỏ như đang được luộc trong nước 90 độ, hắn liếc qua tôi một cái rồi thản nhiên hỏi lại. 

- Ấy tên Sao à?

Tự dưng tôi giật thót một cái. Hắn biết tên tôi? Không thể tưởng tượng nổi trong khi tôi còn không nghe rõ tên hắn thì hắn đã biết tên tôi. Tôi gật đầu nhanh rồi ngồi xích lại gần hắn, tỏ vẻ khẩn thiết: 

- Cho tớ mượn cái đồ gọt được không?

Hắn gật đầu rồi lôi trong cặp ra chiếc gọt bé bé, xinh xinh hình bọ cánh cam đưa cho tôi. Tôi nhận lấy và liếc nhìn hắn, da trắng, mũi cao, mắt sâu, lông mày đậm, mỗi tội tóc cũng hơi xoăn và tôi ghét tóc xoăn. Nhưng dù sao thì hắn là người bạn đầu tiên trong lớp cấp 3 của tôi. Bạn theo kiểu mượn đồ và hỏi tên, sau đó thì lại rơi vào trạng thái im lặng như trước, rất nhiều ngày sau đó cũng không nói chuyện với nhau. Thế giới này sẽ bị im lặng đè chết nếu sinh ra toàn những đứa như tôi và hắn mất thôi. 


Ngôi sao không lấp lánh là tôi đây vẫn tiếp tục cuộc đời của một con ong chăm chỉ. Trưa đi học, chiều về nhà đều đặn, không la cà cũng không cúp tiết. Dĩ nhiên tôi biết, đó là quy luật của học sinh mới ngu ngơ bước vào môi trường mới, ban đầu ngoan ngoãn, sau dạn dần đều và cuối cùng là đủ thứ chuyện xảy ra bởi những cô cậu học sinh ngoan như mèo. Và dĩ nhiên tôi cũng biết, tôi sẽ không như thế đâu, vốn dĩ tôi ở môi trường nào cũng sẽ là ngôi sao không lấp lánh nổi, cho nên việc làm mèo ngoan cả ba năm với tôi không khó, chỉ những đứa có khả năng phát sáng thì mới vướng vào đồ thị hình sin, có đỉnh điểm và điểm chết, còn tôi “có lẽ không”. 

Việt - vâng, đó đúng là tên của hắn - chiều nào cũng về sớm hơn tôi, lúc tôi còn ì ạch leo từng bậc cầu thang xuống bãi đỗ xe thì đã thấy hắn lao xe vút lên dốc với vẻ mặt lạnh tanh. Mà mặt hắn lúc nào chẳng thế. Cười ư? Tôi chưa thấy bao giờ, nhiều lúc nhìn hắn tôi chỉ biết thở dài buồn ngao ngán: “Không ngờ còn có người thê lương hơn mình”. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hắn có gì phải như vậy chứ? Ngoại hình có thể nói là đứng trong top 5/13 đứa con trai của lớp tôi, học hành thì ngoại trừ môn văn lúc nào cũng điểm dưới 5 ra thì các môn khác cũng đỉnh. Chẳng bù cho tôi, văn thơ bay bổng để rồi những môn tự nhiên xếp hàng 5, 6. Đến là uất ức vì cái đầu óc chậm tiêu của mình, nhưng phong độ với môn văn thì khỏi nói, tôi thường được nghe các bạn gọi tên tôi mỗi giờ làm văn: “Sao ơi, giúp tớ cái đề bài!”, “Sao ơi là Sao, kết bài phải viết làm sao?”, “Sao Sao, nhanh lên, hỗ trợ tớ chỗ này!”…, bỗng dưng lúc ấy tôi thấy mình đang là ngôi sao hơi lấp lánh. Nhưng hắn thì không, vẫn ngồi cặm cụi viết rồi gạch mà không hề mở miệng hỏi tôi lấy một câu, hắn bị gì thế nhỉ? 

Ngôi sao hơi lấp lánh là tôi đây lại trở về làm ngôi sao ngăm đen vào những môn học khác. Có lẽ giờ văn là giờ tôi cảm thấy mình có sinh lực nhất, tạm gọi đó là giờ đam mê, giờ phát sáng của Sao này. Cũng may một tuần được học bốn tiết văn, đời học sinh của tôi sẽ ý nghĩa hơn. Nhưng không một thiên tài nào có thể đứng ở đỉnh cao mãi mãi, cô giáo dạy văn thật cao tay khi bắt một “thiên tài” như tôi phải vắt óc suy nghĩ về đề văn kiểm tra giữa kì: “Anh (Chị) hãy viết về một người bạn học chung lớp mà anh (chị) cảm thấy ấn tượng nhất.”, đã thế cô còn chú thích thêm lên bảng: “Lớp 10A2”, tức là cái lớp tôi đang ngồi đây. Tôi đưa bút đẩy môi lên rồi lại đưa tay gõ nhịp lên bàn, đề này khá khó với tôi vì lớp tôi đang học tôi chưa ấn tượng với ai cả. Chẳng lẽ lại nói tôi ấn tượng với nhỏ Vân vì mỗi giờ văn bạn ấy quát tháo tôi to nhất nếu tôi không làm mở bài cho bạn. Hay lại nói ấn tượng với lớp trưởng Nghĩa vì bạn ấy trông kiểu ẻo lả hơn cả tôi… 

Đã 25 phút trôi qua, tôi vẫn cứ ngồi cắn bút và nghĩ vẩn vơ đủ thứ chuyện trên đời, chỉ còn 65 phút nữa là phải nộp bài, chẳng lẽ phong độ của tôi sẽ xuống cấp vì bài văn này? Chẳng lẽ tôi nộp giấy trắng hay ghi vào đó vài dòng: “Em không ấn tượng với ai hết!”. Cô giáo sẽ giết tôi mất, hay ít nhất sẽ mời phụ huynh lên. Một ngôi sao đã không lấp lánh là tôi đây, giờ lại bị bôi đen hơn bởi vì chính cái môn làm tôi hơi lấp lánh sao? Năm phút nữa trôi qua, tôi bắt đầu đổ mồ hôi ở tay, rồi từng giọt nhỏ bò ì ạch hai bên thái dương của tôi. Tôi nhìn cả lớp, ai cũng hý hoáy viết viết, gạch gạch, liếc qua Việt - hắn cũng đang viết rất tập trung. Chợt một tia sáng le lói lóe lên trong đầu, tôi liếc qua Việt thêm vài lần nữa, đảo mắt nhìn lên cô giáo, cô cũng nhìn tôi nở một nụ cười đầy hy vọng. Cuối cùng, tôi nguệch ngoạc vài dòng lên mẩu giấy nhỏ, sau đó đẩy nhẹ qua chỗ Việt: “Cho tớ viết về ấy nhé! Thêm một vài chi tiết tưởng tượng kì ảo thôi. Được không?”. Hắn đọc xong, cũng viết lại cho tôi: “Tùy bạn”.

Không biết có phải tôi hoa mắt nhìn nhầm hay không mà tôi thấy tai hắn đang đỏ lên. “Tùy bạn” có nghĩa là đồng ý những gì tôi hỏi. Thế là tôi bắt đầu vận dụng khả năng tưởng tượng và xuyên tạc xen lẫn sự thật về việc mượn gọt bút chì để phóng tác. Cuối giờ nộp bài, tôi cười mãn nguyện vì một bài văn khá là tốt, vừa không phụ lòng cô, vừa giữ được chút lấp lánh của Sao tôi. Chiều hôm ấy, trên đường về, tôi cảm giác có một niềm vui đang rạo rực trong tôi, dĩ nhiên không thể đem so sánh với tia nắng chiếu qua giọt sương hay chiếc thuyền con mắc cạn được dòng nước cuốn ra biển khơi, nhưng thật sự là ngày tôi vui nhất kể từ khi bước chân vào cấp ba. Có lẽ vì là tiết văn đầu tiên tôi không bị bất cứ ai bắt mình phải viết giúp họ mở bài, kết bài hoặc góp ý cho thân bài, cũng có thể vì một bài văn khá hoàn hảo. Tôi nhắm mắt, hít thật sâu và lắc lắc đầu cho những lọn tóc xoăn tự nhiên bay trong gió. 

Một tuần sau, giờ phút tôi mong đợi cũng đến, trả bài kiểm tra. Một con 9 đỏ chói trên tờ giấy kiểm tra của tôi. Trước bao ánh mắt thán phục, tôi lại thấy mình lấp lánh. Tôi liếc nhẹ qua bài của Việt, một con 7 cũng đỏ và kèm theo lời phê của cô: “Có tiến bộ, nhưng lỗi chính tả còn nhiều”. Tôi bật cười, lần đầu tiên thấy Việt được 7 điểm văn, tôi cũng thấy mừng thay cho cậu ta, nhưng sao lại để có lỗi chính tả cơ chứ? Tôi chép miệng, lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng. Việt thấy tôi đang nhìn chằm chằm vào bài kiểm tra của hắn thì vội vàng cầm bỏ vào ngăn bàn, sau đó hắn úp mặt xuống bàn, tai bắt đầu đỏ lên. Không quan tâm tới hắn nữa, tôi tiếp tục tận hưởng cảm giác làm ngôi sao lấp lánh mà không để ý cô giáo đang nhìn cả hai chúng tôi với ánh mắt dễ thương. 

Ra về, Việt vẫn là người về sớm nhất. Theo thói quen rùa bò của mình, tôi từ từ bỏ sách vở vào cặp, cảm giác sung sướng, lâng lâng vẫn ngập tràn. Tôi ngó một lượt trong ngăn bàn xem có để quên đồ dùng gì nữa không, chợt thấy màu trăng trắng của giấy, màu xanh xanh của mực trong ngăn bàn Việt, tôi thò tay vào lấy ra - bài kiểm tra văn lúc nãy. Mắt tôi hoa lên, trong bài của hắn xuất hiện khá nhiều chữ “Sao” - là tên tôi. Tôi đứng chết lặng trong lớp học, mếu máo đọc từng dòng, hắn viết về tôi, hắn khen tôi viết văn hay, dịu dàng, tốt bụng… Nhưng điều làm tôi òa khóc là khi đọc câu kết bài của hắn: “Dù Sao không xinh, không học tốt tất cả các môn tự nhiên, nhưng đối với em, Sao là ngôi sao lấp lánh của lớp 10A2”. Trời ơi! Lần đầu tiên, ngoài bố mẹ tôi ra, có người nói tôi là ngôi sao lấp lánh của họ. Tôi đứng đọc đi đọc lại bài kiểm tra văn với nhiều lỗi chính tả thêm vài lần nữa rồi mới cất vào cặp, ra về với hai mắt đỏ hoe. 

Thêm một buổi chiều nữa khiến tôi cảm thấy thật tuyệt, tôi biết rồi sẽ có ai kia hoảng hốt khi về nhà không thấy bài kiểm tra, tôi cũng biết ai kia sẽ lại đỏ tai khi tôi trả lại bài kiểm tra có rất nhiều lỗi chính tả và… tôi biết xung quanh mình luôn có những người bạn không nói với tôi rằng tôi là Sao lấp lánh, nhưng trong lòng họ tôi là một cô bé Sao tốt. Tôi nhận ra, dù tôi có lấp lánh thật hay không thì tôi vẫn là Sao, ngôi sao đẹp và sáng nhất trong mắt bố mẹ tôi. 


GreenStar