ĐỪNG BỎ LỠ

Chuyện thi Đại học


Câu chuyện nhỏ này là câu chuyện của chị cách đây 4 năm - khi bước vào kì thi đại học. Chị muốn chia sẻ với các bạn 97 để dù thế nào đi chăng nữa, các bạn cũng sẽ tìm ra được một con đường đúng đắn nhất cho chính mình.


Trước khi kể chuyện thì chị thú nhận điểm thi đại học thật sự của chị cho các em biết nhé:

Khối A chị thi được 10,5 điểm. 

Khối D chị được 13,5 điểm, trong đó môn Văn, cái môn mà nhiều thánh phán chị học giỏi ấy, được có 5,5 điểm, Toán 5 điểm và Anh văn cực dốt được 3 điểm.

Chị thi cao đẳng nữa, được 15,5 điểm. Cộng vùng nữa thì vẫn thấp.

Mấy năm đầu, chị thấy xấu hổ vì điểm thi của mình lắm. Nhưng giờ thì có thể tự tin mà khoe ra độ dốt của mình rồi Biểu tượng cảm xúc colonthree Bởi chị nhận ra điểm thi đại học hay học đại học không quyết định được chị sẽ làm công việc gì và kiếm được bao nhiêu tiền một tháng. Chị khẳng định là như vậy!

Năm 2011, chị đang học lớp 12, chị không đi học thêm mà chỉ suốt ngày ôm cái máy tính, lên các diễn đàn để ôn thi đại học (Ôn ít, chát chít với cả yêu đương linh tinh thì nhiều). Chị lại là chúa lười học nên chỉ học phần chị thích như Lượng giác, Tích phân của môn Toán. Văn thì không thích thơ với cả học thuộc lòng nên chị toàn đọc đề tự luận. Những môn khác không động vào.

Trời biết, đất biết, chị biết, còn lại chẳng ai biết chị đã bê tha như thế nào trong những tháng ngày ôn thi đại học.

Chả biết may mắn thế nào, giữa năm 12 lại được vác cái giải học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Sống ở huyện nên thông tin lan truyền, thành ra chị thuộc vào dạng hơi có tiếng. Chợt lúc đó chị giật mình lo lắng chuyện mà trước kia không nghĩ đến: THI ĐẠI HỌC RỚT THÌ SẼ THẾ NÀO?


Tháng 7 thi đại học. Mẹ chị đưa chị lên tỉnh thi khối A rồi lại cùng chị vào Sài Gòn thi khối D. Dù đem theo nhiều tài liệu để ôn thi, nhưng chị chẳng học thêm được chữ nào. Vào Sài Gòn chị và mẹ ở nhà người quen, cả hai mẹ con không biết đường đi nên phải nhờ người chở chị đi thi. Kể ra chuyện này thì hơi kì cục, nhưng đợt đó trúng mấy ngày chị mắc kẹt đèn... nên trong người mệt mỏi, chân tay rụng rời, đầu óc nghĩ loạn xạ, xác định là đi thi sẽ có kết quả không cao. 

Lạ là, đến giờ phút đó chị vẫn rất tự tin, chẳng nghĩ đến chuyện nếu rớt đại học sẽ thế nào nữa. 

Trong tất cả các kì thi, môn Văn chị đi thi, chỉ có đúng 1 lần chị xin thêm tờ thứ 2, còn lại tất cả bài thi đều nằm trên một tờ đôi giám thị phát ngay từ đầu. Chị bái phục những bạn viết Văn xin đến tờ thứ 4! Các em viết gì trong đó mà dài thế? 

Thi xong, chị còn chẳng dám tính điểm của mình trước, ai hỏi gì cũng bảo đợi có kết quả thì biết. Nhưng thật ra trong lòng thì đã biết mình không qua nổi ải này. Mẹ về quê, chị xin ở lại Sài Gòn chơi, nhưng thật ra là chị sợ về rồi gặp bạn bè, gặp bố, bị hỏi han về chuyện thi cử thì lại không biết nói thế nào. Suy cho cùng, ở lại Sài Gòn vẫn hơn.

Từ ngày chị biết kết quả, chẳng cần đợi điểm chuẩn, chị biết chị rớt chắc (Điểm đó thì đậu với ai) Thế là đêm nào chị cũng không ngủ được, khóc hoài vì cảm thấy xấu hổ, có lỗi với bố mẹ. Vì xưa chị học lớp chọn, bạn bè cùng lớp hầu hết đậu đại học, chị không đậu đã là một điều đáng xấu hổ. Ngày đó chị đâu biết là còn được chọn nguyện vọng 2 - đến khi rớt nguyện vọng 1 rồi mới biết.

Đấy, chị xấu hổ với cả cô chú mà chị đang ở nhờ tại Sài Gòn, vì cô chú cũng nghĩ chị học giỏi, chắc chắn thi đậu, nếu không đậu chắc điểm cũng cao. Đằng này...

Chị luẩn quẩn đến mức nghĩ đến việc sẽ CHẾT. Ngày ngày đứng trên tầng 3 nhìn xuống đường, khóc sưng hết cả mắt.

Đúng cái lúc chị cùng quẫn nhất thì bố chị gọi điện: "Về nhà đi con, đậu rớt gì thì cũng xong rồi, về nhà rồi tính tiếp!"

Chị về!

Chị về chị lại sống cùng những tháng ngày xấu hổ với bạn bè, hàng xóm. Vị hàng xóm sát bên còn nói thế này: "Con Cún thì làm sao đủ điểm đậu Đại Học, thi được 7 - 8 điểm chứ mấy. Điểm như vậy chỉ về nhà hốt phân bò!". Ừ thì con nhà ấy thi đại học 27 điểm, học Y hẳn hoi nên đương nhiên đáng tự hào. Nhưng đi nói với mọi người là chị như vậy thì có buồn không? Có uất ức mà muốn tự tử không?

Đi chợ với mẹ, gặp mấy bạn cũng đi chợ cùng mẹ, 100% là sẽ đứng lại nói chuyện, hỏi han điểm thi. Con người ta điểm cao, đậu nhiều trường giờ không biết chọn trường nào. Còn con nhà mình... chưa biết trường nào sẽ lấy điểm thấp để mà nộp vào. Xấu hổ thế đấy. Chị lại khóc.

Theo lời động viên của bố mẹ, ban đầu chị tính ở nhà ôn thi lại, nhưng áp lực chuyện đậu với rớt làm chị kiếm ngay một cái trường để chui vào đó tạm. Chị tính sẽ vào học đại học, nhưng chủ yếu là để rời khỏi quê và ôn thi lại.


CÚ NGÃ ĐẦU ĐỜI

Cụ thể là chị bị lừa bán hàng đa cấp. Chị hùng hồn nói với bố mẹ sẽ kiếm việc làm thêm, vừa học vừa làm vừa ôn thi. Còn non trẻ, nghĩ cuộc đời này dễ dàng quá mà. Nhưng chị nhầm.

Chị nhìn thấy trước cổng trường có dán mấy tờ giấy tuyển dụng, chọn đại một nơi rồi cũng bắt xe bus đến đó. Chị nghe và tin hoàn toàn vào lời người phụ nữ lạ, tự móc trong ví ra 300.000 đồng để làm thủ tục ban đầu. Về đến phòng trọ thì làm như họ hướng dẫn, nhưng gặp khó khăn nên liên lạc với họ, liên lạc mãi không được. Ít lâu sau lên mạng thấy thông tin của các vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, chị ngậm ngùi không dám nói ai, tự biết mình đã bị lừa.

Chị bỏ qua chuyện sẽ đi làm thêm, tập trung vào việc ôn thi lại.

LÀM LẠI

Ừ thì đúng là chị muốn làm lại. Đem rất nhiều sách vở vào Sài Gòn để ôn thi lại. Nhưng nguyên học kỳ 1 năm nhất, những việc chị làm là: đi lên lớp ngồi ở bàn cuối để ngủ, về nhà nằm xem phim hàn và kinh dị, đi lên lớp ngủ, về nhà thức thâu đêm xem phim... một tháng tiêu tốn của gia đình bao nhiêu là tiền, và chị thì vẫn không học hành gì, chỉ ăn chơi và ngủ.

Lúc học đại học, chị chẳng tham gia hoạt động nào cả. Nghĩ sẽ thi lại nên không muốn gắn bó gì nhiều với "cái trường tạm bợ" này. 

Cuối học kỳ, điểm tổng của chị thấp nhất lớp, suýt nữa bị thi lại 1 môn. Chị chợt nhớ đến thằng bạn học giỏi nhất lớp chị hồi cấp 3, nó từng nói: Tao cũng ăn cơm, cũng đi học như nó, nó làm được thì tao cũng làm được! 

Và thằng bạn đấy đã làm được những gì nó nói. Chị tự hỏi mình: Tại sao cũng tốn tiền ăn, tiền trọ, tiền học mà mấy đứa kia được học bổng, còn mình lại đứng cuối lớp?

Nghĩ thế thôi chứ chị vẫn lười như thường, chỉ được cái biết tiết chế thời gian hơn, xem phim ít lại và đi học ráng ngồi bàn đầu, nếu có ngủ gật cũng bị nhắc, vài lần biết nhục để mà thôi (Nhưng thoát nhục, vẫn hay ngủ gục dù ngồi bàn đầu). 

Chị cũng biết suy nghĩ hơn, sự trưởng thành dần dần lớn lên khi chị nhận ra món nợ mẹ đang phải gánh, công việc vất vả bố đang phải làm, nhà còn 2 đứa em lấy chị làm tấm gương. Chị cảm thấy mình đang lãng phí thời gian cho việc thi lại, lãng phí tiền bạc rất khó khăn bố mẹ mới kiếm được. Cuối cùng, chị quyết định học tiếp và thôi luôn việc ôn thi.


Chị nghĩ thời gian rảnh của mình quá nhiều, nên đi làm. Vì ngày trước có từng cộng tác với Mực Tím Online rồi nên chị lân la hỏi han, viết thử vài bài gửi báo. Biết lực mình không đủ, chị tìm thêm vài bạn thích viết, chị sẵn sàng làm cầu nối gửi bài cho các bạn, vì chị muốn biết viết như thế nào mới được lên báo. Dần dần, chị bớt coi phim, bớt ngủ, chỉ để tập trung tìm hiểu xem VIẾT THẾ NÀO CHO ỔN. 

Có lẽ, nghiệp viết nó theo chị một cách vô tình như thế.

Chị nhận ra cái ngành chị đang học cũng không đến nỗi tệ, ít nhất vì nó liên quan đến sách thì cũng đúng với một phần ước mơ của chị. Cho đến giờ phút này, chị cảm thấy nếu ngày đó chị đậu đại học Khoa học xã hội và nhân văn, có khi chị lại càng bé nhỏ, vì trường lớn, sinh viên đông, chị sẽ chẳng là ai. 

Ở ngôi trường hiện tại, giống như chị đã nói, chị được mọc cánh, chị được sáng tạo, chị được thể hiện - theo cách của chị. Dù bạn bè chị họ rất nản, họ chán ghét ngành, họ hoang mang vì ngành học thì chị lấy thấy tương lai của mình sẽ thật sáng khi mình tìm cách HỌC ĐÚNG ngành này. Ngành tốt, chỉ là vì cách học không đúng sẽ làm sinh viên hoang mang. 

Có một giảng viên từng nói với chị: Sinh viên như em hiếm lắm!

Chị thấy không hiếm, làm gì hiếm cái kiểu sinh viên ban đầu bê tha như ma như quỷ, sau đó mới tìm được đường sáng mà đi. Chỉ tại trước đó không ai hay biết chị đã trải qua những gì và như thế nào mà thôi!

TẠM KẾT

Cho đến giờ phút này, chị không hối hận vì những gì đã qua, chị còn rất rất nhiều câu chuyện, nhưng không thể kể hết trong một trạng thái. Có lẽ, chị sẽ để dành để kể dần dần. Biết đâu, một ngày nào đó nó sẽ thành sách, làm món quà tặng cho các em.


Tóm lại, các em đừng cảm thấy quá tệ khi không đạt điểm đậu đại học, điểm cao hay thấp, vào trường lớn hay nhỏ không quyết định các em sẽ làm việc gì, kiếm được bao nhiêu tiền, là ông chủ hay là người làm thuê. Không quyết định đâu nhé!

Quan trọng là các em phải thích và muốn bước đi trên con đường mình đã chọn, dù là cánh cửa đầu tiên hay cánh cửa phụ.

Có câu nói thế này:

“Khi một cánh cửa đã đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, điều bạn cần làm là thôi không chờ đợi nơi cánh cửa đã đóng, mà hãy tìm một cánh cửa khác đang mở ra cho mình”.

Tìm một cánh cửa mà ở đó các em có thể mọc cánh, tin chị đi, vì chị đã làm thế và cũng không phải hối tiếc về điều đó. 


GreenStar