ĐỪNG BỎ LỠ

Những trái tim nhỏ bé


Cái nóng của mùa hè khiến tôi cảm thấy khó chịu. Đâu đâu cũng có mặt của “mùa hè”, những hàng phượng vĩ đỏ rực trong sân trường tiểu học đối diện nhà tôi, rồi tiếng ve kêu đinh tai, cả những giọt mồ hôi kia nữa, cứ ì ạch như mấy con bọ lăn từ trán, xuống má và cằm tôi, khó chịu kinh khủng. Giá như ngay lúc này có một cơn gió đi qua đây nhỉ? Tôi chống cằm ngồi mơ mộng.

Dạo này xóm tôi cúp điện liên miên với lí do “tiết kiệm điện cho đất nước” nên mỗi xóm cứ thay nhau chịu cảnh “chị Dậu” hai ngày một tuần. Làm sao có thể chịu được cảnh này mãi cơ chứ!

– Gió ơi! Mày ở đâu?… Tôi nhòm ra ngoài cửa sổ hét to đủ để “chị Gió” phải giật mình.

Hè rồi nên sân trường tiểu học yên ắng, vắng vẻ lắm, hồi còn trong năm học, tôi cứ phải đến tận cổng trường để nhắc mấy đứa nhỏ chơi gần đấy đùa bé bé để tôi còn học bài, nhưng bây giờ tôi lại cảm thấy lòng mình quá đỗi trống vắng, một cảm giác làm tăng thêm sự khó chịu trong ngày hè nóng bức này.

Ngôi trường này là nơi tôi theo học tiểu học, hồi đấy may mắn đến với tôi rất rất nhiều, mẹ tôi là cô giáo dạy ở trường này, nhà tôi ở trong trường và tôi còn được làm lớp trưởng. Trường tôi lúc ấy còn nghèo lắm, chỉ có một dãy 4 lớp học và một dãy hai phòng của hiệu trưởng, hiệu phó, nói cho oai chứ thật ra phòng hiệu trưởng, hiệu phó cũng dành cho học sinh tụi tôi học những hôm trời mưa, tại dãy bốn lớp bị thủng nhiều chỗ lắm, cứ mưa to là tràn vào lớp hết. Trường chỉ vẻn vẹn bảy cô giáo, trong đó có cả mẹ của tôi, đám trò nhỏ như tôi chỉ khoảng năm mươi đứa, tại hồi ấy nhà ai cũng nghèo, những nhà giàu thì họ cho con của mình đi học ở các trường tốt, đâu có để ý đến cái trường “tồi tàn” này. Nói là trường nghèo nhưng tôi thấy nó chẳng nghèo chút nào, trong trường “giàu” cây lắm, đủ các loại cây do chính tay các cô giáo trồng và chăm sóc, hồi ấy tôi học mấy cây bàng, cây phượng, xà cừ chỉ cao tầm đầu của tôi, thế mà bây giờ chúng nó như mấy người khổng lồ sừng sững giữa sân trường. Trường tôi còn giàu tình cảm. Có khi nào các bạn được học trong ngôi trường mà có tới bảy người mẹ hay chưa? Được ngủ chung, ăn chung và thậm chí còn được “các mẹ” tắm cho? Những buổi trưa nóng bức, chúng tôi vẫn yên giấc vì có làn gió mát từ tay “mẹ”. Buổi tối, những đứa nhà xa bố mẹ gửi lại, thế là tôi có thêm bạn, chúng tôi chạy khắp sân trường đuổi theo lũ đom đóm mà không biết mệt, hái hoa nhài đốt dưới ngọn lửa đèn cầy làm toả ra hương thơm dịu dịu, có đứa còn bị bỏng cả tay vì nghịch quá đã. Tôi còn nhớ thằng Tèo nghịch nên lửa bén lên tay, nó ngồi la inh ỏi như ai cướp đi một viên kẹo bi đang ăn dở, lúc ấy mẹ tôi đến bên nó và dỗ dành, tôi nhìn mà tủi thân rồi bật khóc lúc nào không hay, cuối cùng mẹ phải ôm cả hai vào lòng hát bài ru quen thuộc để chúng tôi ngủ. Nghèo! nhưng những người mẹ không để chúng tôi đói, không để chúng tôi phải mặc rách hay thiếu thốn điều kiện học tập. Chúng tôi vẫn có thể đọc và hát những bài mà ở các trường lớn vẫn học, vẫn có những trò chơi mà các bạn khác chơi, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng các bạn ấy sẽ không được yêu thương nhiều như chúng tôi, vì đây là tình yêu của “bảy bà mẹ” cơ mà.


Là lớp trưởng và cũng là đứa cầm đầu của lũ nhóc trong trường, tôi mang tiếng con gái, lại thêm con cô giáo nhưng mới nhìn chẳng ai nhận ra vì… cắt tóc tém, mặc đồ con trai (thật ra là đồ của anh hai), toàn cầm cây dẫn lũ nhóc đi nghịch ngợm lung tung. Tôi nhớ có lần mấy thằng bạn con nhà giàu đi xe đạp vào trường chơi:

– Chúng nó muốn khoe xe mới đây mà! – Tôi hếch mặt tỏ vẻ “đại ca” nói với lũ nhóc.

Thằng Tí cũng láu không kém, nó nghĩ ra trò đùa mà đến giờ tôi nghĩ tới vẫn thấy rùng mình, cũng chính từ hôm ấy tôi chừa thói thích làm đại ca. Tụi nhóc bọn tôi kiếm sợ dây dài dài, căng hai bên gốc cây bàng, nhưng trước khi “gây chuyện ác” thằng Tèo còn chắp tay cầu nguyện như mấy bà sơ:

– Tha thứ cho tội lỗi của chúng tao, mấy mày nhá!

Chuyện gì đến cuối cùng cũng đến, tụi kia phóng xe như điên rồi lao vào bẫy của tụi tôi, thế là… chúng nó ngã lăn ra, người vắt vẻo lên khung xe (hồi ấy chỉ có xe khung ngang thôi, nhưng cũng đủ hoành tráng lắm rồi), dép bay mỗi cái một nơi, hai ba thằng nằm lên nhau la khóc, lúc đấy tôi đứng cứng đơ người khi nhìn thấy từ xa bóng của các mẹ. Nếu là trước đây, với những trò trèo cây, bẻ hoa tôi có thể xúi lũ nhóc chạy đi trốn các mẹ, nhưng… lần này tôi thấy nghiêm trọng quá.

Mẹ tôi đến và chỉ nhìn tôi với ánh mắt thất vọng, chắc bà phải buồn lắm vì một đứa trò hư, một đứa con lì lợm như tôi. Không cần để mẹ nói, tôi chạy thật nhanh về lớp rồi quỳ trên bảng mà hai mắt nước cứ chảy ròng ròng, vừa sợ bị đánh đòn, vừa cảm thấy hối hận tôi lẩm bẩm trong miệng: – Con biết lỗi rồi, con xin lỗi mẹ… Con biết lỗi rồi, con xin lỗi mẹ… Kết quả là… Mẹ tôi không đánh đòn, nhưng các mẹ phải bồi thường tiền thuốc cho mấy đứa kia, bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi kết thúc “cuộc đời giang hồ” mãi mãi.


Các bạn có biết “yêu thương là hạnh phúc” hay không? Có biết “hạnh phúc là khi được yêu thương” hay không?… “Sự hồn nhiên là khởi nguồn của yêu thương và hạnh phúc”? Đến một ngày nào đó, bạn không còn cảm thấy ngạc nhiên trước một điều gì đó mà bạn cho là bình thường thì có lẽ không còn sự yêu thương hay niềm hạnh phúc trong con người của bạn. Tôi luôn cảm thấy bất ngờ về những gì mình có được, những cái mình được thấy và nắm giữ. Cho tới bây giờ, khi đã lên cấp ba nhưng nghĩ lại tôi vẫn thấy ngạc nhiên về cuộc đời của mình, về những sự kiện đã diễn ra, theo năm tháng nó vẫn níu giữ chặt trong tim tôi. Tôi ngạc nhiên vì không hiểu sao hồi đấy mình có thể học một ngôi trường “tồi tàn” đến thế. Không hiểu sao tôi lại khóc khi thấy mẹ ôm Tèo. Không hiểu sao những con sâu cứ chọn mấy cây bàng trong ngôi trường nghèo nàn để gặm, để đẻ trứng và nở ra những chú bươm bướm đẹp đến ngần ấy, tôi tự hào khoe với tụi bạn trường khác khi nhìn thấy những con bươm bướm mình đầy màu sắc:

“Chúng nó sinh ra từ nơi tao ở đấy, ngôi trường thân yêu của tao đấy”.

Có nhiều đứa nghe xong thì cười như chế giễu những gì tôi kể nhưng chúng nó đâu hiểu được vì sao có loài bươm bướm, vì có trường tôi đấy.

Bây giờ ngôi trường ấy khác nhiều rồi, là trường tiểu học chuẩn quốc gia, không phải chỉ có bốn lớp học “rách nát” mà bốn dãy lớp xây quét sơn màu, nền lát gạch men, không phải có bảy người mẹ mà rất nhiều… Nhưng đối với tôi sự giàu có và kì diệu nơi đây vẫn như xưa vì nơi đây vẫn còn bảy người mẹ, vẫn còn những cây bàng, cây phượng năm xưa, vẫn lũ sâu gặm nhấm hàng năm, vẫn tình yêu thương, niềm hạnh phúc của những “người thầy” dành cho trò nhỏ của mình – những trái tim nhỏ bé.


GreenStar

Không có nhận xét nào