Sắc màu mùa hạ
Một bàn tay mịn màng, những ngón tay dài và thon đưa về phía nó, vuốt lên tóc nó thật nhẹ. Chàng đưa tay ôm nó vào lòng, nó dụi dụi đầu vào lòng chàng...
1. Trời sắp vào hạ, những cơn mưa phùn mang theo tiếng ve sầu kêu râm ran làm con người ta mệt mỏi và chỉ muốn vùi mình vào chăn ấm, nệm êm. Điều này cũng không ngoại lệ với nó – cái con bé mê ngủ hơn bất cứ điều gì khác.
Một bàn tay mịn màng, những ngón tay dài và thon đưa về phía nó, vuốt lên tóc nó thật nhẹ. Chàng đưa tay ôm nó vào lòng, nó dụi dụi đầu vào lòng chàng. Thật tuyệt, thật ấm áp và nó còn có thể nghe thấy tiếng nhịp tim của chàng. Nhưng… nó chưa biết chàng là ai, xung quanh chàng phát ra những tia sáng làm nó lóa cả mắt, nó ngẩng đầu lên, dụi mắt để nhìn khuôn mặt chàng trai đang bên cạnh nó…
- Dậy! Có biết mấy giờ rồi không hả? Con gái con đứa gì mà ngủ như heo.
- Hôm nay chủ nhật mà, cho con ngủ thêm một tẹo nữa thôi.
Con Rota thừa dịp nhảy phóc xuống giường, thoát khỏi cô chủ hung ác dùng thân mình yếu ớt của Rota làm gối. Rota là con mèo mà nó đang nuôi, không quá to, không quá bé nhưng Rota có bộ lông đặc biệt, trên bộ lông trắng toát của con mèo là những đốm đen tạo thành hình một con mèo khác, ngộ nghĩnh và rất lạ mắt. Đấy, người vừa la inh ỏi và nện cái cán chổi vào người nó chính là “ma ma tổng quản” của gia đình nó. Vừa lúc nó mơ đến đoạn ngước mặt lên nhìn chàng thì trên trời rơi xuống một cành cây to đè vào nó, hóa ra là cái cán chổi của mẹ. Nó xoa xoa chỗ đau rồi cũng phải mắt nhắm mắt mở tung chăn để tránh những trận đòn tiếp theo của “ma ma tổng quản”.
Lắm lúc nó nghĩ, làm con một chẳng sung sướng tẹo nào, nhất là khi nó không phải là một cậu quý tử hay đích tôn gì gì đấy, mặc dù ba mẹ vẫn cưng nó, nhưng cũng chẳng nương tay nếu nó không chịu làm-con-ngoan. Dĩ nhiên, nó không phải là công chúa. Làm gì có cô công chúa nào chẳng thích mặc váy bao giờ, lại còn suốt ngày bị ăn cán chổi? Không-hề-có. Thế mà nhiều khi ba nó đi nhậu về, cứ: “Công chúa của ba đâu rồi?”, “Công chúa rót cho ba cốc nước!”, “Công chúa học bài rồi đi ngủ sớm”…
- Dậy rồi đó hả? Con gái gì mà ngủ nướng khiếp, sau này “ống chề” cho coi.
Đang ngồi vuốt ngược lông đuôi Rota, nó đưa mắt theo tiếng nói mà tai đã thu về được, thì ra là tên hàng xóm nhà bên cạnh. Mang tiếng là hàng xóm, nhưng thật ra một tuần nó chỉ gặp hắn có một lần vào ngày chủ nhật, vì hắn không học ở đây mà ở thành phố, cuối tuần mới về nhà. Hắn cũng không phải con của bác Minh, vì con bác ấy đã có vợ, có chồng hết rồi. Nó không quan tâm lắm, vì dù sao hắn cũng xuất hiện chẳng nhiều trước mặt nó, thế mà sáng nay trái gió trở trời thế nào, hắn lại phán một câu như là quen thân lắm rồi.
- À vâng! Em ế cũng không liên quan gì đến “chú”!
Vẻ thoáng ngạc nhiên hiện trên mặt hắn, nhưng rồi hắn lại nở một nụ cười vừa đủ cho nó biết “cũng bình thường thôi”.
- Thì “chú” có nói gì đâu, chỉ tại lúc nào “chú” cũng nghe thấy tiếng mẹ em la nên chú đoán số em sau này thế thôi.
Nó xì môi, nhọn mỏ rồi ôm Rota vào nhà, đúng hơn là nó không thèm chấp cái kẻ vơ đũa cả nắm, hắn thì một tuần xuất hiện có một ngày, thế mà dám phán “Lúc nào cũng nghe thấy tiếng mẹ la” như đúng rồi. Sau lưng nó, có người đưa tay đẩy cặp kính cận lên, cười hiền.
2. - Mày nghe tin gì chưa?
- Tin gì? - Nó ngáp ngắn ngáp dài đung đưa người trên chiếc ghế xoay khi nghe Linh - nhỏ bạn thân học chung lớp - hỏi với vẻ nghiêm trọng.
- Mai trường mình có thầy cô thực tập về đấy!
- Thật hả? - Nó ngồi bật dậy, mắt long lanh như có nước - Học ở trường hai năm trời rồi, lần đầu tiên tao được nghe cái tin tuyệt vời này.
- Sao mày thích có giáo viên thực tập thế? Tao lại chẳng thích, biết đâu có cô nào xinh xinh, Hoàng của tao lại đem lòng tương tư thì khổ tao lắm. - Linh thở dài. Hoàng là lớp trưởng lớp nó và cũng chính là đối tượng Linh đang thích đơn phương.
- Sao mày chậm tiêu thế, có giáo viên thực tập về thì mình được chơi nhiều hơn, học ít hơn, lại có khi còn ăn liên hoan với tiệc tùng liên miên cho xem. - Nó đưa tay chống cằm rồi cười khoái chí khi tưởng tượng ra viễn cảnh của những tháng ngày ăn chơi không cần học.
- Trời ơi, sao tao lại chơi với cái đứa có tư tưởng mục nát như mày nhỉ? May mà thời này chứ thời xưa chắc nước mình không chống nổi "giặc dốt" nếu có mặt mày.
Chúng nó kết thúc buổi nói chuyện bằng một đĩa xoài chấm muối ớt chua ngọt ngon đến ngất ngây.
3. Buổi sáng đầu tuần bao giờ cũng đẹp, nó bước xuống giường cũng phải cân nhắc xem đặt chân nào xuống thì gặp hên cả tuần, rồi ăn sáng nhai bên nào trước thì không bị vạ miệng trong một tuần, rồi đi ra đường gặp những ai nên nhìn và cười, gặp ai nên tránh và làm lơ... nói chung nó là một đứa không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ gặp vận đen. Thế nên cứ tin vào câu: "Có kiêng có lành" của ông bà ta hồi xưa mà quyết.
Cũng giống như nó, đa phần các thành viên trong lớp đều háo hức đón chờ đội ngũ thực tập sinh vào lớp. Dẫn đầu là cô giáo chủ nhiệm người Huế với giọng nói gây mê khiến nó luôn bỏ 2/3 tiết học trong giờ toán. Tiếp đến là một cô dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nhưng mái tóc thì... hơi bị thiếu thốn. Tiếp nữa là một cô cao to, đồ sộ trong bộ áo dài màu hồng phấn, nhưng nhìn cũng rất dễ thương.
Và cuối cùng... một anh cũng cao to, nhưng thay vì chỉ được dành tặng những tràng pháo tay như hai cô kia thì anh ta còn được tặng thêm cho những tiếng "ồ", "a" vang lớp của đám con gái. Còn nó, nước mắt đang chực rớt ra, nó không ngờ trên đời lại có người giống người đến như vậy. Cái anh thực tập sinh lớp nó ấy, cái người đang đứng trong lớp, trên bảng, trước mặt nó sao mà giống tên hàng xóm một tuần mới gặp một lần. Nó nuốt nước miếng cái ực, nhưng thấy nghẹn nơi cổ họng, nó quay sang hỏi Linh:
- Mày có tin trên đời có hai người giống nhau không?
- Ngớ ngẩn! Sinh đôi thì giống nhau thôi.
- Ờ nhỉ? Quên mất. Thế chắc họ là anh em song sinh.
- Ai?
Nó đưa mắt nhìn về phía anh thực tập sinh định ra hiệu cho Linh biết việc nó đang nói, nhưng bắt gặp ánh mắt "quen không thể tả" của hắn, nó vội cụp mi xuống, lắc đầu lí nhí: "Không có gì!"
Ba thực tập sinh lần lượt giới thiệu về mình. Hai cô có vẻ còn rất ngại đứng trước đám đông nên khi nói mặt đỏ ửng, nhất là cô bé nhỏ, cứ đưa hai tay víu vào nhau, chân đứng không yên. Đến lượt hắn, như một người đã quen với việc "gõ đầu trẻ", hắn đưa nét mặt thân thiện cùng ánh mắt kiên định và đôi môi cười hòa nhã, giới thiệu về mình:
- Chào cả lớp, anh tên là Minh Kiên, các bạn có thể gọi anh là thầy, nhưng anh nghĩ nếu mình coi nhau như bạn bè thì cứ gọi anh là anh Kiên. Hoặc bạn nào thấy anh già quá thì cứ gọi anh là "chú"... Nói chung miễn sao chúng ta hợp tác vui vẻ là được. Anh và hai chị sẽ thực tập tại lớp các bạn trong một tháng, hy vọng các bạn sẽ vui vẻ và chúng ta có những kỉ niệm thật đẹp.
Hắn cúi chào, tiếng vỗ tay vang lên, ai cũng vui vì lời giới thiệu vô cùng thân thiện của hắn, chỉ mình nó hiểu rằng không có vụ song sinh nào ở đây hết, mà hắn chính là tên hàng xóm cạnh nhà nó, bởi khi nói cái từ "chú", hắn ngân lên cả về âm vực lẫn ánh mắt xoáy sâu vào nó.
Đúng như nó muốn, học ít chơi nhiều, còn có vài bữa hẹn tiệc tùng, nhưng nó không sung sướng gì cả, bởi vì hắn sẽ dạy môn toán thay cô chủ nhiệm, sẽ có quyền chấm điểm, sẽ có quyền khảo bài, nói chung được nhiều quyền của cô giáo chủ nhiệm. Mà nó thì đã lỡ gọi hắn là "chú", lại còn tỏ thái độ bất kính với "thầy", thể nào đời nó chẳng dài dài gánh thêm vài con số 0 môn toán. Thường thì nó vẫn ngủ gật đều đều trong tiết toán, cô cũng vẫn cho nó 0 điểm nếu gọi dậy bất thình lình mà nó không trả lời được. Nhưng sau đó lại chữa thành con số bất kì nếu nó xung phong lên bảng chữa bài tập. Còn lần này… con số 0 có lẽ vĩnh viễn không mọc thêm móc để thành con số 6, càng khó mọc thêm chân để thành số 9 huống hồ nhìn cái mặt gian gian của “thầy thực tập” khi phát âm từ “chú” mà cứ tia về phía nó thì những điều nó nghĩ là đúng rồi còn gì.
4. - Tao nghĩ mày nên đi tạ tội với thầy đi! – Linh vỗ vai nó, chép miệng cho lời khuyên sau khi đã được tường thuật trực tiếp vụ việc thất lễ với thầy thực tập của nó.
- Tại sao?
- Trời ơi! Giờ này mà mày còn hỏi tao câu ấy! Chẳng phải mày nói sợ lão ấy trù dập môn toán hay sao? Cái thứ ham ngủ ngay cả trong giờ của cô chủ nhiệm như mày thì vào tay lão, mày xem mày có sống được không? Hay thích vác trứng về nhà luộc ăn dần?
- Ừ ừ! Chí lý! – Nuốt trôi từng chữ của con bạn, nó mặt mày sa sẩm, đầu óc rối bời. Nhưng sau cùng cũng phải gật gù đồng ý vì không còn cái lý do nào hay ho hơn thế nữa.
Trời chiều, nó ra cổng tiễn Linh mà bịn rịn như chia tay người yêu ở tương lai xa của nó. Trước khi về Linh còn không quên đưa mắt ra hiệu cho nó thấy một dáng người quen quen đang lom khom trong vườn nhà bác Minh, sau đó rít từng chữ qua kẽ răng cho nó đủ nghe thấy: “Ráng mà mềm mỏng, đừng để chỉ vì một tháng mà đi tong cả năm!”. Nó thiết nghĩ: “Một tháng thôi, nhịn nhục mà đi làm cái trò xu nịnh để cứu vãn một tháng!”, nghĩ xong, nó mạnh dạn tiến về phía cổng, thò đầu qua song sắt lí nhí:
- Em chào… thầy!
- Chào em! – Hắn không nhìn lên, tiếp tục đào bới cái gì đó.
- Thầy đang làm gì đấy ạ?
- Làm việc công ích em ạ. – Lần này hắn ngước mặt lên vừa đủ để nhìn thấy nó rồi lại rất nhanh, hắn cúi xuống.
- Là làm cái gì đấy ạ?
[…]
Hai mươi phút trôi qua, nó vẫn cứ vòng vo câu hỏi đào cái gì, trồng cái gì, làm cái gì… còn hắn cũng cứ trả lời kiểu nước đôi: trồng cây, đào đất, công ích… mà vấn đề chính, chủ đề “nịnh hót” thì nó lại quên béng đi mất. Mãi đến khi hắn mở đường cho trí nhớ của nó tìm về: “Mà em có chuyện gì muốn nói với thầy à?”, nó mới giật mình rút đầu ra khỏi song sắt theo phản xạ, nhưng không may cho nó là “vào dễ, ra khó”. Mãi một lúc sau, sự cố gắng luồn lách cùng với sự hỗ trợ của “thầy”, nó mới rút được cái đầu với hai tai đỏ lừ ra. Lúc này không chỉ tai mà cả mặt, cả cơ thể nó đều nóng ran lên vì ngượng, nó cúi đầu, lí nhí câu: “Chào thầy” rồi chạy thẳng về nhà.
5. Từ ngày có thầy cô thực tập, mẹ nó khen nó hoài, vì nó ngủ sớm, dậy sớm, lại còn chăm học môn toán và nhất là ít đi chơi với mấy đứa con nít năm, sáu tuổi trong xóm. Vì cứ mỗi lần đi chơi thì một lúc sau thể nào cũng thấy một phụ huynh dắt theo con em của mình đến nhà nó để tố cáo nó bắt nạt trẻ con. Nhưng mẹ nó cũng ít khi mắng nó nặng nề, bởi cái lý do nó đưa ra làm những nét buồn hiện trên khuôn mặt mẹ: “Ai bảo mẹ không sinh thêm em cho con chơi với nó, con không biết phải chơi với trẻ con thế nào cho khỏi mang tiếng bắt nạt.”, mẹ nó chỉ còn biết thở dài cho qua chuyện.
Cũng nhờ những sự việc trên, lên lớp nó không còn buồn ngủ, dù vẫn loi choi như trước, nhưng đã nghiêm túc hơn trong việc học hành, đặc biệt là môn toán. Phải công nhận khác với chất giọng Huế mộng mơ, nên thơ hay gây buồn ngủ của cô chủ nhiệm, giọng hắn có sức lôi cuốn và không gây buồn ngủ (theo cảm nhận của nó là như vậy). Mặc dù hắn cũng hay gọi nó lên bảng chữa bài hoặc hỏi những tiểu tiết nhỏ trong bài, nhưng vì nó không ngủ gật nên vẫn trả lời được hết, có sai nhưng không đáng kể. Nói thế thôi chứ đến giờ những môn khác, nó vẫn bò lăn ra ngủ. Như giờ văn và giờ sử của hai cô thực tập còn lại, nó thừa biết hai cô này đứng trước đám đông rất run nên chẳng còn thời gian mà để ý xem nó có ngủ hay không, cho nên cứ yên tâm dựng cuốn sách để trên bàn, mặt vẫn khuất sau cuốn sách giống như đang đọc bài, nhưng thực ra thì hai mắt đã không còn tiếp xúc với chữ.
6. Sau vụ “dễ vào, khó ra”, nó đi qua nhà bác Minh mà cứ như tên trộm, nhìn ngược, ngó xuôi rồi mới dám ù té một mạch. Chẳng hiểu sao trên lớp thì thấy bình thường, nhưng về nhà lại không dám nhìn mặt, cứ nhớ lại cái cảnh hôm ấy, nó chỉ muốn độn thổ cho xong. Đúng là không có cái nhục nào như cái nhục nào, đó chính là cái nhục lớn nhất trong 17 năm qua của cuộc đời nó, may mà một tháng chứ nếu một năm chắc nó phải luyện đến đẳng cấp ninja rùa mất thôi, biết độn thổ vì nhục và biết núp vào mai vì ngượng.
Nhưng đâu có phải mình tránh đá thì đá nó cũng né mình, cuối cùng oan gia ngõ hẹp cũng phải gặp mặt nhau. Một ngày cũng khá đẹp trời, đó là chủ nhật trong xanh như bao chủ nhật khác và nó thì được ngủ nướng thêm 10 phút vì mẹ đi chợ về muộn. Nó ra sân, vươn vai hít thở không khí trong lành rồi chạy lại giàn bầu trước sân. Đang nâng niu quả bầu to phải ôm hết hơn một vòng đôi bàn tay, nó chợt nghe tiếng nói cuốn hút mà không gây buồn ngủ:
- Bé con! Qua đây thầy cho cái này.
- Dạ? Thầy gọi em ạ? – Nó nhìn sau, nhìn trái rồi sang phải, vẻ nghi ngờ những gì vừa nghe thấy.
- Ừ! Gọi em đấy, không gọi em chẳng lẽ thầy gọi quả bầu cạnh em? – Hắn cười.
Đoạn ký ức lại dồn dập ùa về, len lỏi khắp cơ thể, xông lên não, kích thích máu lan tỏa khắp mặt, tai làm mọi thứ đỏ bừng lên. Nó vẫn còn ngượng vụ hôm bữa lắm, nhưng thầy gọi mà không qua thì công ba tuần của nó coi như toi hết, thế là dứt việc ôm quả bầu, nó lững thững bước sang nhà bác Minh.
- Vào cổng chính này, đừng để như hôm trước. – Hắn tủm tỉm cười.
- Thầy đừng có trêu em nữa được không? – Nó nói như gắt, vẻ vẫn ngượng ngùng.
- Thôi thầy không trêu nữa. Cầm cây này về để trong phòng, ưu tiên cho em nhận quà đầu tiên, vì em là “hàng xóm” của thầy.
Hai từ “hàng xóm” sao mà nghe êm ru, nó nhận từ thầy một chậu hoa Trạng Nguyên, có một bông hoa đỏ thắm mà lòng rưng rưng muốn khóc, nhưng vẫn không khóc thành dòng được.
- Òa! Thầy trồng nhiều hoa này thế ạ? Thầy đi bán hoa phải không thầy?
Trời ơi, phát ngôn xong nó mới biết mình vừa hỏi một câu ngớ ngẩn, nó ngượng tập hai, lần này muốn độn thổ ngay tức khắc, nhưng câu trả lời điềm đạm của hắn đã giữ nó lại:
- Không, thầy trồng để lúc chia tay các em, tặng mỗi em một chậu. Cô Mai và cô Ngân phụ trách tìm cây con, còn thầy phụ trách trồng cây rồi bỏ chậu. Chắc tầm ba, bốn ngày nữa là có thể bỏ chậu hết đám cây này, sắp ra hoa hết rồi.
- À… thì ra đây là quà dành cho cả lớp em. – Nó ngắm nghĩa chậu hoa, tỏ vẻ khâm phục lẫn biết ơn.
Cả đêm hôm ấy nó hết bật đèn ngồi nhìn chậu hoa rồi lại tắt đèn nằm cười tủm tỉm không biết bao nhiêu lần, tự dưng nó cảm thấy hãnh diện vì mình là “hàng xóm” của thầy và thầy thì không đến nỗi ghê gớm như nó đã phán xét lúc ban đầu.
7. Một tháng sắp hết đồng nghĩa với việc phải chia tay thầy cô thực tập. Nước mắt rơi cũng nhiều mà những cuốn sổ lưu bút lại càng bán chạy, đứa này có một cuốn thì những đứa khác cũng đua đòi sắm cho bằng được một cuốn màu mè hơn, nổi bật hơn. Có nhiều đứa còn tự thiết kế sổ lưu bút để trở nên nổi bật hơn những đứa dùng tiền ăn sáng dành dụm được để mua. Nó thì không quan tâm lắm, vì nó không được mẹ cho tiền ăn sáng bao giờ, toàn ăn ở nhà, còn làm đồ handmade thì nó lại càng không thể. Lớp nó cũng thế, đứa nào cũng tíu tít viết vào hai cuốn sổ của hai cô thực tập, thơ, ca, hò, vè có đủ cả.
Có đứa còn viết như kiểu tỏ tình: “Em mong cô sẽ ở bên em mãi mãi”, hoặc là: “Sẽ có ngày em lại đến bên cô”… Riêng với hắn thì không cần đưa sổ ra cũng có gần chục đứa con gái trong lớp nó “dâng hiến” cuốn sổ của mình cho hắn, trong đấy thể nào cũng toàn lời sướt mướt. Cuối giờ lâm li bi đát ấy là giờ tặng quà, nó ngồi tỉnh bơ trong khi cả lớp ai cũng háo hức chờ đợi món quà mình sẽ được nhận. Ba người trao quà lần lượt bưng vào những cái thùng to, sau đó thì gọi tên từng bạn lên, gửi vài lời chúc và kèm theo một món quà, dĩ nhiên đó là chậu cây hoa Trạng Nguyên. 32 chậu dành cho 32 người, chỉ mình nó không có, nhưng 32 con người kia không quan tâm, bởi đứa nào cũng đang ngập tràn trong niềm vui bất tận. Chỉ có một người ngừng lại niềm vui trong giây lát, đến bên nó an ủi:
- Thôi mày ạ! Đừng có khóc. Tao cũng không ngờ lão ấy thù dai như vậy, nhưng dù sao không bị con 0 nào trong môn toán là phước rồi. Coi như gặp phải ác mộng đi. Mà nếu cần thì tao cho mày chậu hoa này, ở nhà tao cũng hết chỗ để rồi, đừng buồn nha mày. – Linh đặt chậu hoa vào tay nó, vỗ vào vai nó rồi liếc nhìn thầy tỏ vẻ tức giận thay bạn mình.
- Thôi, mày cứ giữ lấy đi, ở nhà tao cũng có một chậu rồi mà.
Nó cười tủm tỉm, đưa hai tay lên chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ, để mặc Linh đang trợn tròn mắt khó hiểu. Độ này hoa Phượng đang nở đỏ cả sân trường, cũng đẹp lắm, nhưng có lẽ trong nó lúc này, màu đỏ của hoa Trạng Nguyên mới là màu đẹp nhất.
GreenStar